Chuyển hộ khẩu cho con theo mẹ sau khi ly hôn

CÂU HỎI TÌNH HUỐNG Chào luật sư, tôi kết hôn năm 2012 và nhập hộ khẩu về nhà chồng ở NĐ. Đến năm 2018, tôi ly hôn với chồng và được Tòa án giải quyết quyền nuôi con, cháu năm nay đã hơn 6 tuổi. Sau khi ly hôn thì tôi không còn ở NĐ nữa, đã chuyển về BN, quê cũ của tôi nhưng khác huyện để làm việc và nuôi con. Tôi đã nhờ chồng cũ chuyển hộ khẩu cho tôi về BN nhưng anh chỉ chỉ chuyển hộ khẩu cho mình tôi, còn không chuyển hộ khẩu cho con, vì anh ta vẫn muốn con về sống cùng. Vậy, xin hỏi luật sư, giờ tôi muốn đăng ký hộ khẩu ở nơi mới và cho con nhập hổ khẩu mới thì cần làm gì?  Chồng tôi không đồng ý để con tôi chuyển hộ khẩu thì tôi có cho con tôi nhập hộ khẩu vào hộ khẩu của tôi ở BN được không, sổ hộ khẩu cũ thì anh ta đang giữ? Mong luật sư tư vấn giúp tôi. Xin cảm ơn.

TRẢ LỜI
1. Cơ sở pháp lý
– Luật cư trú 2006, sửa đổi bổ sung 2013.
– Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
2. Nội dung tư vấn

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của Việt Luật. Sau khi nghiên cứu vấn đề này, chúng tôi xin đưa ra giải đáp cho bạn như sau:

Theo thông tin bạn đã trình bày, Tòa án đã trao quyền cho bạn nuôi con thì bạn có quyền chuyển hộ khẩu cho con vào hộ khẩu của bạn.

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 10 Thông tu 35/2014/TT-BCA về trách nhiệm của người đứng tên chủ hộ:

“8. Người đứng tên chủ hộ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Trường hợp cố tình gây khó khăn, không cho những người cùng có tên trong sổ hộ khẩu được sử dụng sổ để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.”

Do đó, nếu chồng bạn vẫn cố tình gây khó khăn, không chuyển khẩu cho con bạn thì bạn có thể khiếu nại về hành vi cản trở quyền tự do cư trú theo quy định theo tại Điều 39 Luật cư trú 2006, sửa đổi bổ sung 2013:

” Điều 39. Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm 
1. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Người nào vi phạm quy định của pháp luật về cư trú thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.”

Trường hợp con bạn là người chưa thành niên và đang thường xuyên sinh sống cùng bạn thì căn cứ theo Điều 13 Luật cư trú 2006, sửa đổi bổ sung 2013, con bạn sẽ có nơi cư trú cùng với bạn.

Để đăng ký thường trú cho hai mẹ con bạn, đầu tiên, bạn xin cấp giấy chuyển hộ khẩu tại Công an cấp huyện nơi con bạn có hổ khẩu. Hồ sơ gồm sổ hộ khẩu và phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp giấy chuyển khẩu cho con bạn.
Sau khi có giấy chuyển khẩu của con, bạn cần tiến hành các thủ tục đăng kí thường trú tại Công an xã nơi bạn muốn đăng kí thường trú theo quy định tại Điều 21 Luật cư trú, điểm a Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 35/2014/TT-BCA, hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:
–  Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
– Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;
– Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
– Giấy khai sinh của con bạn (bản chính hoặc bản sao có chứng thực).

Thời hạn giải quyết đăng ký thường trú: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là nội dung tư vấn của Việt Luật về vấn đề chuyển khẩu cho con theo mẹ khi ly hôn. Nếu còn vướng mắc, chưa hiểu rõ hay cần sự hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua tổng đài luật sư tư vấn trực tuyến miễn phí 0965999345 hoặc gửi thông tin qua Email để được hỗ trợ kịp thời!

Chia sẻ bài viết:
Trụ sở Hà Nội
Văn phòng Tp.HCM

HOTLINE 0968.29.33.66 LUẬT SƯ TƯ VẤN MIỄN PHÍ