Góp vốn bằng tiền mặt được hay không

Khi tổ chức hay cá nhân góp vốn vào một doanh nghiệp để thực hiện hoạt động kinh doanh ở công ty cũ hoặc thành lập công ty mới thì hình thức góp vốn có giống nhau hay không. Đặc biệt việc góp vốn bằng tài sản là tiền mặt được thực hiện trong những trường hợp nào và pháp luật quy định như thế nào trong lĩnh vực này?

Việt Luật xin cung cấp một số thông tin hữu ích về việc góp vốn bằng tiền mặt qua bài viết sau đây:

gop-von-bang-tien-mat-co-duoc-hay-khong

1. Khái quát về việc góp vốn

– Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp hiện hành thì góp vốn là việc các chủ thể tiến hành góp tài sản để tạo nên vốn điều lệ của công ty, bao gồm việc góp vốn khi thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vào vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.

– Các tổ chức, cá nhân đều có quyền góp vốn hoặc mua cổ phần vào các mô hình công ty theo quy định, trừ các trường hợp như cơ quan, đơn vị nhà nước dùng tài sản nhà nước để góp vốn nhằm thu lợi cho riêng mình hoặc các trường hợp không được góp vốn theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức viên chức.

– Tài sản dùng để góp vốn vào công ty bao gồm các tài sản như Đồng Việt Nam, vàng bạc, giá trị quyền sử dụng đất, ngoại tệ tự do chuyển đổi, các bí quyết công nghệ – kỹ thuật, quyền sở hữu trí tuệ hoặc các tài sản khác có thể được định giá bằng Đồng Việt Nam.

– Chỉ có các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp đối với các tài sản trên thì mới được sử dụng để góp vốn vào công ty.

Khi tiến hành việc góp vốn vào công ty thì tổ chức, cá nhân góp vốn phải tiến hành chuyển quyền sở hữu tài sản của mình sang quyền sở hữu cho công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành:

– Đối với tài sản là giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản đăng ký quyền sở hữu thì chủ thể góp vốn phải tiến hành chuyển quyền sở hữu tài sản đó của mình sang cho công ty tại cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục sang tên. Việc chuyển quyền sở hữu này sẽ không phải nộp lệ phí trước bạ theo quy định. Các tài sản này chỉ được coi là thành toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đã chuyển sang tên của công ty.

– Đối với các tài sản còn lại thì việc góp vốn vào công ty phải được thực hiện bằng biên bản góp vốn có xác nhận việc giao nhận tài sản đó.

Nội dung biên bản phải đảm bảo đầy đủ các thông tin: tên, trụ sở công ty, giấy tờ chứng thực cá nhân hoặc tư cách pháp lý của chủ thể góp vốn, loại tài sản và tổng giá trị góp vốn, tỷ lệ tài sản góp vốn trong tổng số vốn điều lệ công ty, ngày giao nhận tài sản góp vốn, có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty và chủ thể góp vốn.

2. Góp vốn bằng cách chi trả tiền mặt có được hay không?

Tiền mặt bao gồm tiền kim loại hoặc tiền giấy do Ngân hàng Nhà nước phát hành.

– Theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn về các giao dịch tài chính của doanh nghiệp, trong đó có quy định rằng các doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch như góp vốn, chuyển nhượng tài sản của mình vào doanh nghiệp khác thì không được sử dụng tiền mặt để tiến hành thanh toán.

– Theo đó thì khi tiến hành góp vốn vào doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt để góp vốn. Do pháp luật chỉ quy định chủ thể không được sử dụng tiền mặt để góp vốn là doanh nghiệp mà không quy định các chủ thế khác nên cá nhân vẫn có thể góp vốn bằng tiền mặt như thông thường.

Khi góp vốn bằng tiền mặt thì việc góp vốn phải có đủ các chứng từ như: phiếu thu có ghi rõ việc góp vốn vào công ty và có đủ chữ ký của những người có liên quan, biên bản kiểm kê về số lượng, loại tiền góp vốn và có biên bản góp vốn.

Còn theo quy định của Bộ Tài chính thì hình thức mà doanh nghiệp khi thực hiện việc góp vốn vào doanh nghiệp khác bao gồm: thanh toán bằng Séc, bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền hoặc các hình thức thanh toán khác mà không sử dụng tiền mặt theo quy định pháp luật.

Tùy vào từng đối tượng mà có thể được hoặc không được thực hiện góp vốn bằng tiền mặt. Nếu còn thắc mắc về vấn đề này, liên hệ ngay với đơn vị tư vấn luật doanh nghiệp để được tư vấn và hỗ trợ miễn phí.

Chia sẻ bài viết:
Trụ sở Hà Nội
Văn phòng Tp.HCM

HOTLINE 0968.29.33.66 LUẬT SƯ TƯ VẤN MIỄN PHÍ