Lái xe chưa có bằng gây tai nạn sẽ bị xử lí như thế nào?

Như chúng ta đều biết, tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối mà nước ta đang đối mặt, người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định của luật giao thông đã gây ra nhiều hậu quả. Vấn đề về điều kiện bắt buộc đối với người điều khiển phương tiện giao thông là có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, là trách nhiệm của mỗi người khi tham gia giao thông, nếu thiếu bằng lái xe là vi phạm pháp luật. Do đó, phải đặt ra câu hỏi: Lái xe chưa có bằng gây tai nạn sẽ bị xử phạt như thế nào? Đây cũng là những thắc mắc của nhiều người khi vô tình xảy ra tai nạn giao thông ngoài ý muốn.

Để có cái nhìn rõ ràng về hậu quả của việc điều khiển phương tiện giao thông mà không có giấy phép, Tư vấn Việt Luật xin gửi tới một số chia sẻ dưới đây.

I. Chưa có bằng lái xe mà điều khiển phương tiện giao thông là vi phạm pháp luật

Người lái xe không có bằng lái là vi phạm pháp luật, đã được khẳng định trong Luật giao thông đường bộ 2008:

“Điều 58. Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông
1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này vàcó giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:
a) Đăng ký xe;
b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;
d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.”

Theo đó, điều kiện bắt buộc đối với người điều khiển phương tiện là có “giấy phép lái xe”. Nói nôm na, người lái xe khi tham gia giao thông thì bắt buộc phải có trong tay chiếc bằng lái.

II. Người lái xe không có bằng thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Không có bằng lái xe gây tai nạn là hành vi vi phạm mà pháp luật có những quy định hình phạt rất nghiêm trọng nhưng nhiều người tham gia giao thông vẫn chưa thực sự ý thức đúng đắn về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Pháp luật quy định rất cụ thể các biện pháp xử lý hành chính đối với hành vi này tùy vào việc không có bằng lái xe hay quên mang theo bằng lái xe. Bên cạnh đó, pháp luật cũng nghiêm trị hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi không có bằng lái xe gây tai nạn.

Đối với trường hợp lái xe quên không mang bằng hoặc chưa có bằng mà không xảy ra sự cố gì trong quá trình tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền theo quy định pháp luật. Số tiền bị phạt căn cứ vào lỗi vi phạm cũng như loại phương tiện mà người lái xe hiện đang điều khiển. Điểm a Khoản 5 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định:

“5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;”
Đối với trường hợp lái xe không có bằng lái mà gây tai nạn, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người khác mà không có bằng sẽ phải bồi thường thiệt hại theo Bộ luật dân sự 2015 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, phương tiện giao thông vận tải cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ, ngay cả khi không có lỗi nhưng chủ sở hữu xe vẫn phải bồi thường thiệt hại.
Ngoài những khoản bồi thường và khoản phạt tài chính thì căn cứ theo Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ:
“1. Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.”

Trong trường hợp người điều khiển phương tiện chưa đủ điều kiện, người giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo các điều khoản trên. Mức độ truy cứu thế nào phụ thuộc vào kết quả điều tra, xác minh của cơ quan điều tra.

Tóm lại, trách nhiệm của người tham gia giao thông là tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông mà trước nhất là đáp ứng được các điều kiện cơ bản ban đầu khi lái xe về giấy phép, độ tuổi, sức khỏe…để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Bạn có vướng mắc hay cần sự hỗ trợ pháp lý khác, hãy liên hệ qua tổng đài luật sư tư vấn nhanh miễn phí hoặc gửi thông tin qua Email để được hỗ trợ kịp thời!

Chia sẻ bài viết:
Trụ sở Hà Nội
Văn phòng Tp.HCM

HOTLINE 0968.29.33.66 LUẬT SƯ TƯ VẤN MIỄN PHÍ