Quyền xử phạt của công an phường khi không có cảnh sát giao thông

CÂU HỎI Chào luật sư, tôi điều khiển xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, lúc đó không có cảnh sát giao thông thì công an phường yêu cầu dừng xe, kiểm tra giấy tờ và xử phạt lỗi không đội mũ bảo hiểm. Tôi có thắc mắc công an phường có quyền xử phạt khi không có cảnh sát giao thông không?

TRẢ LỜI

1. Căn cứ pháp lý

– Nghị định 27/2010/NĐ-CP quy định việc huy động các lực lượng chức năng và công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tư, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết;

– Thông tư 47/2011/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 27/2017/NĐ-CP.

2. Nội dung tư vấn

Cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc đến Tư vấn Việt Luật. Chúng tôi xin giải đáp vấn đề cho bạn sau đây:

Căn cứ Nghị định số 27/2010/NĐ-CP quy định các lực lượng có thể được huy động phối hợp với CSGT tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi cần thiết gồm: Công an xã, phường, thị trấn và các lực lượng cảnh sát khác (gồm: cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát bảo vệ, và cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội).

Tuy nhiên, việc huy động phải thực hiện bằng Quyết định hoặc Kế hoạch huy động, trong đó nêu rõ lực lượng, số lượng cần huy động, thời gian, địa bàn huy động, trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của cảnh sát giao thông, cảnh sát khác và công an xã tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông.

Khi hết thời gian huy động ghi trong Quyết định hoặc Kế hoạch huy động mà không có văn bản huy động mới của cấp có thẩm quyền thì lực lượng cảnh sát khác và công an xã kết thúc nhiệm vụ được huy động, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ thường xuyên.

Theo Điều 8 Nghị định số 27/2010/NĐ-CP về Cơ chế phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát khác và công an xã với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ “Các lực lượng cảnh sát khác và công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng thì phải thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải thường xuyên thông báo cho lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ về việc tuần tra, kiểm soát của mình, nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì được xử phạt vi phạm hành chính những hành vi thuộc quyền xử phạt của mình theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết”.

Tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 27/2010/ NĐ-CP, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát khác (bao gồm cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát bảo vệ, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, công an phụ trách xã, công an phường) và công an xã (bao gồm công an xã, công an thị trấn nơi chưa bố trí tổ chức công an chính quy) được quy định như sau:

– Thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo sự chỉ đạo, điều hành của cảnh sát giao thông đường bộ và theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

– Xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng.

Theo đó, khi không có cảnh sát giao thông đường bộ, các lực lượng cảnh sát khác và công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì được xử phạt vi phạm hành chính những hành vi thuộc quyền xử phạt của mình. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.

Hơn nữa, theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư số 47/2011/TT-BCA hướng dẫn thực hiện Nghị định số 27/2010/NĐ-CP thì “Trường hợp không có lực lượng cảnh sát giao thông đi cùng thì lực lượng cảnh sát khác và công an xã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Theo quy định này, khi độc lập làm nhiệm vụ (nghĩa là không phải là đi cùng lực lượng cảnh sát giao thông), công an phường chỉ được thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được phê duyệt. Và công an phường chỉ có quyền dừng các phương tiện vi phạm giao thông trong các trường hợp: điều khiển xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chở hàng hóa cồng kềnh; đỗ xe ở lòng đường trái quy định; điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, tháo ống xả, không có gương chiếu hậu, lưu thông đường cấm, ngược chiều; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông… hoặc chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật và các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ như họp chợ dưới lòng đường, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông.

Về thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, theo quy định tại Điều 70 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì Trưởng công an cấp xã (phường, thị trấn) cũng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

Như vậy, nếu Công an phường thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông theo Kế hoạch đã được cấp thì có thẩm quyền xử phạt hành chính về hành vi bạn không đội mũ bảo hiểm.

Trên đây là giải đáp của Việt Luật về vấn đề mà bạn yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa hiểu rõ hay cần sự hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí qua email 0965999345 hoặc gửi thông tin qua Email để được hỗ trợ kịp thời!

Chia sẻ bài viết:
Trụ sở Hà Nội
Văn phòng Tp.HCM

HOTLINE 0968.29.33.66 LUẬT SƯ TƯ VẤN MIỄN PHÍ