Sự khác nhau giữa công ty con và chi nhánh

Công ty con và chi nhánh công ty đều là những chủ thể hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào công ty mẹ. Hiện nay thì vẫn có nhiều người vẫn có sự nhầm lẫn giữa công ty con và chi nhánh công ty. Bài viết này sẽ chỉ ra sự khác nhau giữa công ty con và chi nhánh công ty:

1. Khái quát về công ty con và chi nhánh

Theo quy định của pháp luật thì công ty con là loại hình công ty do công ty mẹ chi phối bởi một trong các điều kiện như:
– Công ty mẹ chi phối về vốn: sở hữu tối thiểu 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty.
– Công ty mẹ chi phối về quản trị: công ty mẹ có quyền bổ nhiệm các thành viên của Hội đồng quản trị và các chức danh quản lý công ty như Giám đốc hay Tổng giám đốc của công ty.
– Công ty mẹ có quyền quyết định về việc thay đổi Điều lệ của công ty con.
  • Tùy thuộc vào từng loại hình của công ty con mà công ty mẹ có thể thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình đối với công ty con với tư cách là thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu của công ty con theo quy định pháp luật hiện hành.
  • Tuy nhiên khi thực hiện các giao dịch thì công ty mẹ, công ty con đều được thiết lập và thực hiện hiện một cách bình đẳng, độc lập theo các điều kiện áp dụng nhất định.
  • Nếu công ty mẹ mà can thiệp vào hoạt động của công ty con ngoài phạm vi thẩm quyền của mình hay buộc công ty con thực hiện các hoạt động mà trái với nguyên tắc kinh doanh thông thường mà gây thiệt hại thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại đó.
– Còn mô hình chi nhánh công ty được công ty thành lập để thực hiện một phần hoặc toàn bộ chức năng của công ty, bao gồm cả chức năng đại diện, đây là đơn vị phụ thuộc của công ty. Chi nhánh được thực hiện hoạt động kinh doanh những ngành nghề phù hợp với những ngành nghề kinh doanh của công ty.
– Chi nhánh được thực hiện kinh doanh phát sinh lợi nhuận mà công ty đăng ký kinh doanh nhưng không phải bất kỳ ngành nghề nào của công ty thì chi nhánh đều được thực hiện hoạt động kinh doanh mà tùy theo nhu cầu và điều kiện thì chi nhánh công ty sẽ thực hiện kinh doanh theo ủy quyền của doanh nghiệp.

2. Sự khác nhau giữa công ty con và chi nhánh

Vì công ty con và chi nhánh đều thực hiện hoạt động kinh doanh và đều là những đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp nên nhiều người sẽ nhầm lẫn giữa hai đơn vị này. Dựa vào bản chất của hai đơn vị này thì sự khác nhau được thể hiện thông qua các đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, về tư cách pháp nhân:

  • Công ty con tuy phụ thuộc vào công ty mẹ bởi nguồn vốn hoặc bởi sự chi phối quản trị của công ty, tuy nhiên công ty con vẫn được tiến hành đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh và được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, do đó mà công ty con có tư cách pháp nhân.
  • Chi nhánh công ty được công ty thành lập tại cơ quan đăng ký kinh doanh và chỉ được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh mà không có tư cách pháp nhân.

Thứ hai, về vốn điều lệ:

  • Do được đăng ký kinh doanh và có tư cách pháp nhân nên công ty con có vốn điều lệ để đảm bảo hoạt động kinh doanh.
  • Còn chi nhánh công ty không có vốn điều lệ do nguồn vốn hoạt động của chi nhánh là công ty cung cấp.

Thứ ba, về mã số thuế:

  • Do mang tư cách độc lập trong hoạt động đăng ký kinh doanh nên công ty con được cấp một mã số thuế độc lập với công ty mẹ.
  • Còn chi nhánh công ty chỉ được cấp mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp theo quy định pháp luật.

Thứ tư, về trách nhiệm của chủ sở hữu:

  • Chủ sở hữu của công ty con chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn góp vào vốn điều lệ của công ty con.
  • Còn đối với chi nhánh thì công ty thành lập nên chi nhánh chịu trách nhiệm vô hạn đối với các hoạt động của chi nhánh.

Thứ năm, về nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp:

  • Công ty con không được chuyển lợi nhuận mà mình kinh doanh được về công ty mẹ mà phải tiến hành nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại trụ sở của công ty mình.
  • Còn chi nhánh công ty được phép chuyển lợi nhuận về công ty để công ty tiến hành nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên toàn bộ lợi nhuận từ hoạt động của công ty.
Có thể thấy, sự khác biệt lớn nhất giữa công ty con và chi nhánh công ty là tư cách pháp lý và nghĩa vụ thuế giữa hai đơn vị này mặc dù đều thực hiện hoạt động kinh doanh. Để tìm hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan tới doanh nghiệp  liên hệ ngay đến Việt Luật để được tư vấn và hỗ trợ miễn phí.
Chia sẻ bài viết:
Trụ sở Hà Nội
Văn phòng Tp.HCM

HOTLINE 0968.29.33.66 LUẬT SƯ TƯ VẤN MIỄN PHÍ