Tìm hiểu những nội dung về hoạt động giữa công ty mẹ và công ty con theo quy định hiện nay khi thực hiện giao dịch mua bán hay ký kết hợp động? Việt Luật giải đáp pháp lý về nội dung này chi tiết và cụ thể như sau:
Công ty mẹ và công ty con có cần phải ký hợp đồng khi tiến hành giao dịch mua bán?
Câu hỏi pháp lý vấn đề này:
Giữa công ty mẹ và công ty con có phải ký kết hợp đồng khi tiến hành giao dịch mua bán hay không? Căn cứ pháp lý quy định về vấn đề trên?
Cơ sở pháp lý tìm hiểu:
-
Luật doanh nghiệp 2020
-
Luật thương mại 2005
-
Bộ luật dân sự 2015
Giải đáp pháp lý nội dung cụ thể này.
Luật doanh nghiệp 2014 có quy định:
“Điều 190. Quyền và trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con
1. Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập.
3. Trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.
4. Người quản lý của công ty mẹ chịu trách nhiệm về việc can thiệp buộc công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều này phải liên đới cùng công ty mẹ chịu trách nhiệm về các thiệt hại đó.
5. Trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định tại khoản 3 Điều này thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 1% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con đòi công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con.
6. Trường hợp hoạt động kinh doanh như quy định tại khoản 3 Điều này do công ty con thực hiện đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng một công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi đó phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng đó cho công ty con bị thiệt hại.”
Theo đó, khi thiết lập, thực hiện các giao dịch, hợp đồng, quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con là bình đẳng và độc lập như các chủ thể pháp lý độc lập khác.
Hiện nay không văn bản nào quy định giao dịch mua bán hàng hóa phải bắt buộc theo hình thức hợp đồng. Theo quy định của Luật dân sự 2015, giao dịch có thể bằng hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương. Đồng thời, Luật thương mại 2015 cũng có quy định:
“Điều 24.Hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa
1. Hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.”
>>> Do đó, giao dịch mua bán hàng hóa giữa công ty mẹ và công ty con có thể xác lập bằng hình thức: lời nói, văn bản, hoặc hành vi cụ thể.
>>>> Để bạn hiểu rõ hơn về mô hình hoạt động công ty mẹ và công ty con, chúng tôi có trích dẫn một số nội dung phân tích về vấn đề này như sau:
“Công ty mẹ – công ty con” là khái niệm dùng để chỉ một tổ hợp các công ty có mối quan hệ với nhau về sở hữu, độc lập về mặt pháp lý và chịu sự kiểm soát chung của một công ty có vai trò trung tâm quyền lực, nắm giữ quyền chi phối các công ty còn lại trong tổ hợp.
– Nói đến tổ hợp công ty mẹ – công ty con là nói đến cấu trúc bên trong liên kết các thành tố cấu thành thực thể ấy. Mối quan hệ giữa công ty mẹ – công ty con là mối liên kết bên trong giữa chúng trong đó nhấn mạnh đến liên kết cứng, tức liên kết trên cơ sở chủ yếu là việc nắm giữ vốn giữa các công ty.
– Thông qua đầu tư vốn dưới dạng quyền sở hữu cổ phần hay phần vốn góp của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền chi phối về mặt tổ chức cũng như hoạt động của các công ty khác trong tổ hợp. Tuy nhiên, vốn đầu tư chỉ là điều kiện cần mà chưa đủ. Những công ty dù có vốn đầu tư của công ty mẹ song không bị công ty mẹ không nắm quyền chi phối thì không phải là công ty con. Như vậy, để trở thành công ty mẹ của công ty khác thì phải có hai điều kiện đó là có vốn đầu tư vào công ty đó và nắm quyền chi phối công ty đó.
Đặc điểm của tổ hợp công ty mẹ – công ty con
Thứ nhất, về cơ sở hình thành
Quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con được thiết lập trên cơ sở sở nắm giữ vốn. Theo đó, công ty mẹ nắm giữ toàn bộ hoặc nắm giữ một phần vốn góp đủ để chi phối công ty con. Tùy theo pháp luật của mỗi nước và Điều lệ của từng công ty quy định mà mức chi phối được thể hiện ở tỷ lệ vốn góp.
Thông thường, công ty mẹ chiếm từ 50% trở lên vốn góp của công ty con. Tuy nhiên, có trường hợp vẫn được coi là công ty mẹ mặc dù vốn góp dưới 50% tùy thuộc vào Điều lệ công ty quy định.
Thứ hai, về cách thức hình thành
– Một là, hình thành một cách tự nhiên, bằng con đường dài, vững chắc như ở Mỹ hay các nước châu Âu. Theo đó thì nó có thể:
Phát triển nội sinh do công ty mẹ tự phát triển lớn mạnh với việc hình thành các chi nhánh, đơn vị, công ty trực thuộc của mình; hoặc phát triển ngoại sinh thông qua việc công ty mẹ tiến hành thực hiện việc tập trung kinh tế như sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp khác hoặc liên kết kinh tế (liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khác) nhằm tích tụ vốn, nâng cao vị thế, tăng cường khả năng cạnh tranh và tạo ra nhiều lợi ích nhất. Nói chung, bằng phương thức tự nhiên thì điều kiện đặt ra là chỉ cần có một công ty đủ mạnh để trở thành công ty mẹ mà không cần đến một quyết định hành chính, dựa trên ý muốn chủ quan của Nhà nước hay một yêu cầu quản lý duy ý chí, vì vậy tổ hợp công ty mẹ – công ty con cũng sẽ tan rã cùng với sự chấm dứt hoạt động của công ty mẹ;
– Hai là, tổ hợp công ty mẹ – công ty con được hình thành khi nền kinh tế tồn tại những điều kiện và trong trạng thái nhất định mà Nhà nước cảm thấy sự ra đời hay việc đẩy mạnh phát triển tổ hợp công ty mẹ – công ty con sẽ mang đến những cơ hội, biến chuyển khả quan hay giải quyết được mặt khó khăn nào đó cho nền kinh tế. Ở đó, Nhà nước, có thể bằng quyết định hành chính, hoặc bằng sự dẫn dắt của mình với việc xây dựng khung pháp lý, các thể chế, chính sách để thúc đẩy tổ hợp công ty mẹ – công ty con phát triển nhanh, bền vững, trở thành những trụ cột trong nền kinh tế. Điển hình của phương thức hình thành này là ở các nền kinh tế châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Thứ ba, về liên kết trong tổ hợp công ty mẹ – công ty con
– Liên kết trong nhóm công ty có thể là liên kết ngang, liên kết dọc hoặc liên kết hỗn hợp. Liên kết ngang là liên kết của các doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành nghề hay thị trường. Liên kết dọc là liên kết giữa các công ty trong đó mỗi công ty giữ một vai trò quan trọng trong dây chuyền của quá trình nghiên cứu, sản xuất mà mỗi công ty đảm nhận một hoặc một số công đoạn nhất định. Liên kết hỗn hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, là sự liên kết giữa các công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều thị trường khác nhau.
– Liên kết giữa các công ty trong nhóm có thể là liên kết cứng tức là liên kết được thực hiện thông qua mối quan hệ về vốn. Bên cạnh đó còn có liên kết mềm tức là việc liên kết thông qua các hợp đồng hợp tác, liên kết về khoa học kĩ thuật, công nghệ, sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển, hay mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận. Thông thường liên kết cứng có mức độ chặt chẽ hơn liên kết mềm và chúng là liên kết có vai trò quyết định giữa các công ty trong tổ hợp. Ngoài ra, mức độ chặt chẽ của các liên kết này còn phụ thuộc vào mức độ chi phối của công ty mẹ với các công ty con hoặc phụ thuộc vào nội dung thỏa thuận giữa các công ty
– Không khó để nhận thấy, thông qua sở hữu vốn quyền chi phối của công ty mẹ với công ty con được thực hiện một cách dứt khoát và hiệu quả nhất. Do đó, liên kết trên cơ sở sở hữu vốn giữ giữa công ty mẹ – công ty con ngày càng giữ vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, liên kết thông qua ngành kinh tế kĩ thuật đã dần trở nên mờ nhạt trong khi liên kết hỗn hợp đa ngành, đa lĩnh vực ngày càng được ưa chuộng. Có thể thấy điều này ngay tại Việt Nam, để thử sức với các lĩnh vực đầu tư mới, để phân tán hay hạn chế rủi ro trong kinh doanh… Các công ty con được thành lập với lĩnh vực hoạt động đa dạng và rộng khắp. Thậm chí, ngay cả trong các Tập đoàn kinh tế Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết tính đến cuối năm 2007, tổng giá trị đầu tư ra ngoài các lĩnh vực kinh doanh chính của 70 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là gần 117.000 tỉ đồng, trong đó đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bất động sản là hơn 23.400 tỉ đồng.
Thứ tư, về tư cách pháp lý của mỗi công ty trong tổ hợp
– Tổ hợp công ty mẹ – công ty con không phải là một thực thể pháp lý mà là một tập hợp các công ty, trong đó có một công ty mẹ và có một hoặc một số công ty con. Mỗi công ty là một pháp nhân độc lập có tài sản riêng, có bộ máy điều hành quản lý riêng và tự chịu trách nhiệm về các khoản nợ cũng như các nghĩa vụ tài sản của mình. Tổ hợp trên không phải là một pháp nhân và nó không chịu trách nhiệm trước pháp luật hay buộc phải có nghĩa vụ với bên thứ ba với tư cách nhóm. Công ty mẹ và công ty con là hai thực thể pháp lý độc lập.
– Nếu công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn thì công ty mẹ chỉ chịu trách nhiệm đối với phần vốn góp hay cổ phần của mình. Tuy nhiên, chúng có lợi ích liên quan nhất định với nhau và do trong mối quan hệ công ty mẹ có tính chất chi phối các quyết định của công ty con, nên luật pháp nhiều nước bắt buộc công ty mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về những ảnh hưởng của công ty mẹ đối với công ty con. Chẳng hạn như trường hợp phá hạn trách nhiệm, khi đại diện của công ty mẹ tại công ty con hành xử không có sự rõ ràng minh bạch giữa công việc của công ty và công việc của cá nhân; hoặc chi phối, kiểm soát, điều hành công ty vào các hoạt động bất hợp pháp gây thiệt hại cho người khác; hoặc lợi dụng hình thức chịu trách nhiệm hữu hạn của công ty để tìm cách chia nhỏ vốn nhằm mục đích lừa đảo.
Thứ năm, về quyền chi phối của công ty mẹ đối với công ty con
Công ty mẹ nắm giữ quyền chi phối, kiểm soát công ty con. Quyền kiểm soát, chi phối là quyền quyết định đối với nhân sự chủ chốt, tổ chức quản lý, thị trường và các quyết định quản lý quan trọng của công ty khác hoặc sử dụng quyền biểu quyết của mình với tư cách là một cổ đông, bên góp vốn, tác động đến việc thông qua hoặc không thông qua các quyết định quan trọng của công ty mà mình có vốn cổ phần, vốn góp chi phối.
Trên đây là những nội dung tư vấn Việt Luật về vấn đề xung quanh hoạt động của công ty mẹ và công ty con, những vướng mắc chưa giải đáp ở đây quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp với tổng đài tư vấn 24/7
Hotline: 0965 999 345 / Điện thoại – 02436 856 856