Giống với các mô hình doanh nghiệp khác, mô hình doanh nghiệp xã hội đều được tổ chức, hoạt động và quản lý dưới hình thức doanh nghiệp, tuy nhiên về mục đích hoạt động của hai mô hình này là khác nhau. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu doanh nghiệp xã hội là gì và mục đích hoạt động của doanh nghiệp xã hội.
1. Khái quát về doanh nghiệp xã hội
1.1. Doanh nghiệp xã hội là gì?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì doanh nghiệp xã hội được tổ chức và hoạt động tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành năm 2014 với mục đích hoạt động hướng đến cộng đồng và hướng đến lợi ích chung của toàn xã hội, hoạt động vì mục tiêu xã hội.
Tên của doanh nghiệp xã hội cũng sẽ được đặt theo tên doanh nghiệp và có thể bổ sung cụm “xã hội” vào thành tố tên riêng.
1.2. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội
Do mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp xã hội mà Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tiến hành thành lập doanh nghiệp với nhiều ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhất định. Vì được tổ chức và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nên tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp xã hội có các quyền và nghĩa vụ luật định.
Ngoài ra thì doanh nghiệp xã hội vì đặc trưng riêng của nó nên sẽ có các quyền và nghĩa vụ khác như sau:
– Phải duy trì mục tiêu hoạt động và các điều kiện luật định trong suốt quá trình hoạt động của mình.
Nếu trong quá trình hoạt động mà doanh nghiệp xã hội muốn chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp bình thường hoặc từ bỏ mục tiêu xã hội, mục tiêu môi trường và không sử dụng lợi nhuận thu được để tái thực hiện đầu tư thì phải thông báo và thực hiện thủ tục theo quy định.
– Chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp xã hội sẽ được xem xét và tạo thuận lợi trong việc cấp chứng chỉ, cấp phép và cấp giấy chứng nhận có liên quan đến hoạt động.
– Doanh nghiệp xã hội được phép huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ cá nhân, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để có thể bù đắp các chi phí quản lý và hoạt động doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp xã hội không được phép sử dụng các khoản tài trợ cho mục đích khác ngoài mục đích bù đắp chi phí để hoạt động các vấn đề xã hội, vấn đề môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng nguồn vốn đó.
– Trường hợp mà doanh nghiệp xã hội được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ thì phải báo cáo hàng năm với cơ quan có thẩm quyền về tình hình của doanh nghiệp.
2. Đặc điểm của doanh nghiệp xã hội
Để thành lập nên doanh nghiệp xã hội, ngoài mục đích hoạt động vì mục tiêu xã hội, lợi ích chung của cộng đồng thì doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng được các điều kiện luật định. Khi được thành lập thì doanh nghiệp xã hội có những đặc điểm sau:
– Doanh nghiệp xã hội được đăng ký thành lập và tổ chức hoạt động theo từng loại hình doanh nghiệp theo quy định pháp luật doanh nghiệp.
– Mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp xã hội đó là hoạt động nhằm mục đích xã hội, vì môi trường và hướng đến lợi ích của cộng đồng.
Đóng góp của doanh nghiệp xã hội sẽ tập trung chủ yếu vào ba lĩnh vực, đó là: cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có tính sáng tạo và phù hợp với nhu cầu của những nhóm người có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt như nhóm người khuyết tật, nhóm người HIV/AIDS; tạo cơ hội để hòa nhập cộng đồng, hòa hợp xã hội cho những cá nhân yếu thế trong xã hội thông qua việc tạo cơ hội việc làm các chương trình đào tạo phù hợp; đưa ra những giải pháp cho các vấn đề xã hội chưa được đầu tư rộng rãi…
– Doanh nghiệp xã hội phải sử dụng tối thiểu 51% tổng số lợi nhuận của doanh nghiệp để phục vụ hoạt động tái đầu tư để có thể thực hiện hoạt động mục tiêu xã hội, mục tiêu môi trường đã được doanh nghiệp đăng ký.
Nếu không đảm bảo tỷ lệ phần trăm giữ lại lợi nhuận thì doanh nghiệp sẽ chấm dứt cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, mục tiêu môi trường của mình.
Để huy động vốn phục vụ thực hiện hoạt động của mình thì doanh nghiệp xã hội có thể tiếp nhận viện trợ phi chính phủ từ nước ngoài và các nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước bằng tài sản, nguồn tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật để phục vụ hoạt động của mình.
Doanh nghiệp xã hội với mục đích hoạt động mang tính nhân văn, hướng đến lợi ích chung của cả cộng đồng nên pháp luật khuyến khích đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này. Liên hệ ngay đến tổng đài 19006199 để được tư vấn cụ thể và chính xác hơn về các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp xã hội.