Thủ tục làm giấy khai sinh muộn

CÂU HỎI Chào luật sư, em muốn tư vấn về làm giấy khai sinh như sau: em là một bà mẹ đơn thân, em sinh con năm 2016, năm nay cháu đã được gần 2 tuổi, nhưng lúc đó không đi làm giấy khai sinh cho con được. Vậy bây giờ làm giấy khai sinh cho con thì cần giấy tờ gì và thủ tục như thế nào? Em làm giấy khai sinh cho con muộn có bị phạt không ạ?
TRẢ LỜI
Căn cứ pháp lý
– Luật Hộ tịch 2014;
– Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP;
– Nghị định 110/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự.
Nội dung tư vấn
Cảm ơn bạn đã gửi đề nghị tư vấn đến tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí qua mạng. Vấn đề của bạn chúng tôi xin đưa ra quan điểm như sau:

1. Hồ sơ đăng kí khai sinh muộn cho con

Khoản 1 Điều 16 Luật hộ tịch 2014 quy định về các giấy tờ khi làm thủ tục đăng ký khai sinh như sau: “Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.”
Căn cứ điều luật trên, bạn cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau khi tiến hành thủ tục làm giấy khai sinh muộn cho con:
– Giấy chứng sinh bản chính (do bệnh viện hoặc cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra cấp). Trên giấy chứng sinh có ghi rõ họ tên, năm sinh, số CMND, nơi thường trú hoặc tạm trú của người mẹ. Các thông tin của con bao gồm ngày giờ sinh, địa điểm sinh, giới tính, cân nặng. Bên dưới giấy chứng sinh có chữ ký của người đỡ đẻ và đóng dấu của thủ trưởng cơ sở y tế. Tất cả những thông tin này sẽ phục vụ cho quá trình đăng ký khai sinh cho con. Nếu không có giấy chứng sinh thì phải có văn bản xác nhận của người làm chứng về việc sinh. Trong trường hợp không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
– Giấy tờ tùy thân của người đi đăng ký làm giấy khai sinh: Đó có thể hộ chiếu, CMND, thẻ căn cước hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và còn thời hạn sử dụng. Các giấy tờ này nhằm mục đích chứng minh nhân thân. Lưu ý, các giấy tờ này phải là bản chính.
– Tờ khai theo mẫu theo quy định: Mẫu tờ khai sinh được quy định tại Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, tờ khai này sẵn có và được cấp tại nơi đăng ký khai sinh nên bạn có thể không cần chuẩn bị trước tờ khai này.

2. Trình tự đăng kí khai sinh muộn cho con

– Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đăng kí khai sinh như trên, bạn nộp hồ sơ đến cơ quan đăng kí hộ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ để thực hiện đăng ký khai sinh (Điều 13 Luật Hộ tịch 2014), người nhận hồ sơ đăng ký khai sinh là công chức tư pháp – hộ tịch.
– Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.
– Công chức tư pháp – hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh. Giấy khai sinh chỉ được cấp 1 bản chính, bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh. Trong trường hợp bản chính bị thất lạc thì chỉ có thể được làm lại bản sao (trich lục hộ tịch).
– Thời hạn giải quyết cấp giấy khai sinh là trong 1 ngày. Trường hợp cần xác minh, không quá 05 ngày làm việc. Thời gian nhận giấy khai sinh: từ Thứ 2 đến sáng Thứ 7 hàng tuần.

3. Làm giấy khai sinh cho con muộn có bị phạt không?

Theo quy định tại Điều 15 Luật Hộ tịch 2014: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.“
Do con bạn đã gần 02 tuổi mà chưa được đăng ký khai sinh, bạn là mẹ của trẻ đã không thực hiện việc đăng ký khai sinh cho con đúng thời hạn. Theo quy định của pháp luật hiện hành, người có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con mà không thực hiện việc đăng ký thời hạn đúng quy định thì sẽ bị phạt cảnh cáo (Căn cứ Khoản 1 Điều 27 Nghị định 110/2013/NĐ-CP).
Trên đây là quan điểm tư vấn của Việt Luật về vấn đề làm giấy khai sinh muộn. Nếu còn vướng mắc, chưa hiểu rõ hay cần sự hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua tổng đài luật sư tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình 0965999345 hoặc gửi thông tin qua Email để được hỗ trợ kịp thời!

Chia sẻ bài viết:
Trụ sở Hà Nội
Văn phòng Tp.HCM

HOTLINE 0968.29.33.66 LUẬT SƯ TƯ VẤN MIỄN PHÍ