Điều kiện kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng nguy hiểm với phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy

Để được cấp phép kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện đường thủy, đường bộ thì cần những điều kiện cụ thể như sau:

I. Điều kiện đối với kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông đường bộ

1. Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp

2. Điều kiện của người lao động khi tham gia vận chuyển hàng nguy hiểm

2.1. Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm phải được huấn luyện và được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện về loại hàng nguy hiểm mà mình vận chuyển theo quy định của các Bộ quản lý ngành quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP.

2.2. Người thủ kho, người áp tải hàng nguy hiểm bắt buộc phải được huấn luyện về loại hàng nguy hiểm do mình áp tải hoặc lưu kho bãi

2.3. Bộ quản lý ngành quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP chịu trách nhiệm:

2.3.1 Quy định loại hàng nguy hiểm khi vận chuyển mà người điều khiển phương tiện bắt buộc phải được huấn luyện và được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện

2.3.2 Quy định loại hàng nguy hiểm khi vận chuyển bắt buộc phải có người áp tải hàng

2.3.3 Tổ chức huấn luyện và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện cho người điều khiển phương tiện quy định tại khoản 2.3

2.3.4 Tổ chức huấn luyện cho người thủ kho, người áp tải hàng nguy hiểm

3. Xếp, dỡ hàng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển và lưu kho bãi

3.1. Tổ chức, cá nhân liên quan đến việc xếp, dỡ hàng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển và lưu kho, bãi phải tuân thủ đúng chỉ dẫn về bảo quản, xếp, dỡ, vận chuyển của từng loại hàng nguy hiểm hoặc trong thông báo của người gửi hàng.

3.2. Việc xếp, dỡ hàng nguy hiểm phải do người thủ kho, người áp tải trực tiếp hướng dẫn và giám sát.

3.3. Trong trường hợp không quy định phải có người áp tải theo Điều 11 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP thì người vận tải phải thực hiện xếp, dỡ hàng hóa theo chỉ dẫn của người gửi hàng.

4. Yêu cầu đối với phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm

4.1. Phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông

4.2. Thiết bị chuyên dùng của phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn do các Bộ quản lý ngành quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP quy định.

4.3. Căn cứ quy định về tiêu chuẩn của các Bộ quản lý ngành, cơ quan kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ thực hiện kiểm định và chứng nhận phương tiện cơ giới đường bộ đủ điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm.

4.4. Phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm phải dán biểu trưng nguy hiểm của loại, nhóm loại hàng đang vận chuyển. Nếu trên một phương tiện có xếp nhiều loại hàng khác nhau thì phía ngoài phương tiện cũng dán đầy đủ biểu trưng của các loại hàng đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên và phía sau phương tiện.

4.5. Phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm sau khi dỡ hết hàng nếu không tiếp tục vận chuyển loại hàng đó thì phải được làm sạch và bóc, xóa hết biểu trưng nguy hiểm.

4.6. Nghiêm cấm việc sử dụng phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc không đủ điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm để vận chuyển hàng nguy hiểm.

Văn bản quy phạm pháp luật

– Điều 9 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP

– Điều 11,12,13 Nghị định số 104/2009/NĐ-CP

II. Điều kiện đối với kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông đường thủy

* Điều kiện của người tham gia vận tải hàng hóa nguy hiểm

1. Thuyền viên làm việc trên phương tiện chuyên dùng vận tải xăng, dầu, khí hóa lỏng, hóa chất phải được đào tạo và có chứng chỉ chuyên môn về vận tải hàng hóa nguy hiểm theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

2. Thủ kho, người xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm tại cảng, bến thủy nội địa phải được tập huấn theo chương trình do Bộ Giao thông vận tải quy định.

3. Người áp tải, thủ kho, người xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm tại kho của chủ hàng trong cảng, bến thủy nội địa phải được tập huấn về hàng hóa nguy hiểm theo quy định của các cơ quan được nêu tại Điều 7 Nghị định 29/2005/NĐ-CP.

* Xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm

4. Người xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm phải thực hiện xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm theo quy định của các cơ quan được nêu tại Điều 7 Nghị định 29/2005/NĐ-CP.

5. Căn cứ quy định của cơ quan được nêu tại Điều 7 Nghị định 29/2005/NĐ-CP và chỉ dẫn của người gửi hàng, thuyền trưởng quyết định sơ đồ xếp hàng hóa nguy hiểm.

Việc xếp hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện phải theo đúng sơ đồ do thuyền trưởng quyết định và được chèn lót, chằng buộc phù hợp tính chất của từng loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm. Không xếp chung các loại hàng hóa có thể tác động lẫn nhau, làm tăng mức độ nguy hiểm trong cùng một khoang hoặc một hầm hàng của phương tiện.

6. Việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trong kho, bãi của cảng, bến thủy nội địa phải theo hướng dẫn của thủ kho. Căn cứ chỉ dẫn của người gửi hàng, thủ kho hướng dẫn, giám sát việc xếp, dỡ hàng hóa trong kho, bãi và chịu trách nhiệm trong thời gian hàng hóa nguy hiểm lưu tại kho, bãi của cảng, bến thủy nội địa.

7. Đối với loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm quy định phải xếp, dỡ, lưu giữ ở nơi riêng biệt thì việc xếp, dỡ phải thực hiện tại cầu cảng, bến riêng và lưu giữ ở nơi riêng biệt.

8. Sau khi đưa hết hàng hóa nguy hiểm ra khỏi kho, bãi thì nơi lưu giữ hàng hóa nguy hiểm phải được làm sạch để không ảnh hưởng tới hàng hóa khác.

* Điều kiện đối với phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm

Ngoài việc thực hiện các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm còn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

9. Có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của cơ quan đăng kiểm phù hợp với từng loại, nhóm hàng hóa nguy hiểm.

10. Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm, sau khi dỡ hết hàng hóa nguy hiểm nếu không tiếp tục vận tải loại hàng hóa đó thì phải được làm sạch theo quy trình và ở nơi quy định.

Văn bản quy phạm pháp luật

– Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004

– Nghị định số 29/2005/NĐ-CP

Trên đây là toàn bộ thông tin Việt Luật cung cấp mọi thắc mắc vui lòng liên hệ chúng tôi để được tư vấn thông tin cụ thể

Chia sẻ bài viết:
Trụ sở Hà Nội
Văn phòng Tp.HCM

HOTLINE 0968.29.33.66 LUẬT SƯ TƯ VẤN MIỄN PHÍ