Để được cấp phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam cần đáp ứng những điều kiện cụ thể theo quy định và những phương thức hoạt động kinh doanh đặc thù theo lĩnh vực này, vậy để hiểu rõ hơn về nội dung cấp phép hoạt động mua bán thuốc bảo vệ thực vật quý khách hàng có thể tham khảo nội dung cụ thể như sau:
Nội dung bài viết
I. Điều kiện đối với sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo về thực vật
1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật
1.1. Người trực tiếp điều hành sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật phải có chứng chỉ hành nghề
1.1.1 Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật của cơ sở sản xuất (bao gồm cả sang chai, đóng gói) hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong ngành bảo vệ thực vật phải có bằng đại học các ngành hóa chất, nông nghiệp và được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định
1.1.2 Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề cho người trực tiếp điều hành sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật:
a) Có trình độ chuyên môn về hoá học hoặc bảo vệ thực vật từ đại học trở lên
b) Có giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp theo quy định
1.2. Có quy trình công nghệ sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói theo quy định, bảo đảm chất lượng thuốc bảo vệ thực vật
1.3. Có địa điểm được cơ quan có thẩm quyền cho phép
1.4. Có trang thiết bị bảo đảm vệ sinh lao động, an toàn sức khoẻ cho người, vật nuôi, môi trường, phòng, chống cháy, nổ
1.5. Có hệ thống xử lý chất thải theo quy định của cơ quan có thẩm quyền về môi trường
1.6. Có cơ sở kiểm tra chất lượng sản phẩm hoặc đăng ký với cơ quan kiểm tra chất lượng gần nhất để kiểm tra chất lượng thuốc trước khi xuất xưởng
1.7. Có đủ trang thiết bị kiểm tra chất lượng hoặc hợp đồng liên kết với đơn vị có đủ năng lực kiểm tra chất lượng được cơ quan có thẩm quyền thừa nhận để kiểm tra chất lượng hóa chất, sản phẩm hóa chất ngành thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn được cơ quan có thẩm quyền ngành nông nghiệp chấp nhận đối với mỗi lô sản phẩm xuất xưởng.
1.8. Có biện pháp quản lý, trang thiết bị an toàn, phòng, chống cháy nổ, phòng, chống rò rỉ phát tán hóa chất và các sự cố hóa chất khác theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Hóa chất và các quy chuẩn kỹ thuật an toàn cụ thể khác đối với từng loại hóa chất nguy hiểm, thiết bị sử dụng trong cơ sở sản xuất, kinh doanh. Có trang thiết bị kiểm soát, thu gom và xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO
Văn bản quy phạm pháp luật
- Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật
- Mục I, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP
- Điều 7, 8 Điều lệ quản lý thuốc BVTV ban hành kèm theo Nghị định số 58/2002/NĐ-CP
- Nghị định 98/2011/NĐ-CP
- Điều 10 Nghị định 108/2008/NĐ-CP
- Thông tư số 03/2013/TT-BNNPTNT
- Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT
II. Điều kiện đối với buôn bán thuốc bảo vệ thực vật
1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật
1.1.Điều kiện chung
1.1.1 Các loại thuốc bảo vệ thực vật buôn bán tại cửa hàng ở dạng thành phẩm có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép, hạn chế sử dụng ở Việt Nam.
1.1.2 Không được bán thuốc bảo vệ thực vật chung với các loại hàng hóa khác như: lương thực, thực phẩm, hàng giải khát, thức ăn chăn nuôi, thuốc y tế, thuốc thú y và các hàng tiêu dùng khác.
1.1.3 Cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không được đặt trong các khu vực kinh doanh hàng hóa thực phẩm, các khu vực dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện.
1.2. Điều kiện cụ thể
1.2.1. Nhân sự
a) Người quản lý trực tiếp của cửa hàng phải có chứng chỉ hành nghề buôn bán thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục Bảo vệ thực vật cấp tỉnh cấp. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề cho người buôn bán thuốc bảo vệ thực vật:
+ Có văn bằng trung cấp trở lên của một (01) trong các chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học, sư phạm nông nghiệp hoặc giấy chứng nhận đã tham dự lớp học chuyên môn về thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục Bảo vệ thực vật cấp tỉnh cấp.
+ Có giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp theo quy định.
b) Người trực tiếp bán hàng được huấn luyện về thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục bảo vệ thực vật cấp tỉnh tổ chức hoặc có bằng tốt nghiệp từ trung cấp chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học, sư phạm nông nghiệp trở lên.
1.2.2. Địa điểm
a) Cửa hàng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương cấp xã, có địa chỉ rõ ràng, ổn định, thuộc sở hữu của chủ cơ sở hoặc có hợp đồng thuê nhà hợp pháp tối thiểu là 01 (một) năm trong trường hợp thuê địa điểm đặt cửa hàng.
b) Diện tích phù hợp với qui mô kinh doanh, tối thiểu là 5 mét vuông (m2). Phải là nhà cấp 4 trở lên, bố trí ở nơi cao ráo, sạch sẽ, thoáng gió, đáp ứng các yêu cầu về mua, bán, bảo quản, không ảnh hưởng đến chất lượng thuốc bảo vệ thực vật.
c) Cách xa nguồn nước (sông, hồ, kênh, rạch) ít nhất khoảng 10 mét (m) và cửa hàng phải được gia cố bờ kè chắc chắn chống sạt lở, nền cửa hàng phải cao ráo không ngập nước
d) Tường và mái phải xây dựng bằng vật liệu không bén lửa. Tường nhà và nền nhà phải bằng phẳng, chống thấm, dễ lau chùi, không bị ngập
1.2.3. Trang thiết bị
a) Có tủ trưng bày, quầy, kệ hoặc giá đựng thuốc bảo vệ thực vật, trang thiết bị bảo quản thuốc theo đúng yêu cầu bảo quản ghi trên nhãn thuốc
b) Đảm bảo đủ độ sáng để nhận diện thuốc. Thiết bị chiếu sáng đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ
c) Có nội quy và trang thiết bị phòng cháy và chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan phòng cháy, chữa cháy để ở nơi thuận tiện, sẵn sàng sử dụng khi cần thiết
d) Có bảo hộ lao động bảo vệ cá nhân như găng tay, khẩu trang, nước sạch, xà phòng.
đ) Có vật liệu, dụng cụ để xử lý kịp thời sự cố theo yêu cầu của cơ quan quản lý về môi trường
1.2.4. Yêu cầu khác
a) Có biển hiệu rõ ràng bằng tiếng Việt. Ghi rõ tên chủ cơ sở hoặc tên doanh nghiệp, địa chỉ, số điện thoại
b) Có sổ ghi chép việc xuất, nhập thuốc bảo vệ thực vật
c) Có bảng niêm yết giá bán thuốc bảo vệ thực vật
1.2.5. Nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật của cửa hàng
a) Đối với các cơ sở buôn bán có nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật từ 5.000 kilôgam (kg) trở lên áp dụng theo khoản 2, Điều 3 và khoản 2, Điều 9 của Thông tư 14/2013/TT-BNNPTNT
b) Đối với các cơ sở buôn bán có nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật dưới 5.000 kilôgam (kg)
c) Nơi chứa thuốc bảo vệ thực vật phải khô ráo, thoáng gió, không thấm, dột hoặc ngập úng, đảm bảo phòng chống cháy nổ
d) Kệ giá để hàng cách mặt đất ít nhất 10 centimét (cm), cách tường ít nhất 20 centimét (cm)
đ) Việc sắp xếp các loại thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo không gây đổ vỡ, rò rỉ, có lối vào đủ rộng và riêng biệt từng loại
Văn bản quy phạm pháp luật
-
Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật
-
Mục I, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP
-
Điều 16, 17 Điều lệ quản lý thuốc Bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 58/2002/NĐ-CP
-
Nghị định 98/2011/NĐ-CP
-
Điều 10 Nghị định 108/2008/NĐ-CP
-
Thông tư số 03/2013/TT-BNNPTNT
-
Thông tư 14/2013/TT-BNNPTNT
-
Thông tư số 05/2015/TT-BNNPNTN
III. Điều kiện đối với nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật
1. Giấy phép nhập khẩu thuốc và nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật
1.1. Hợp đồng nhập khẩu, hợp đồng xuất khẩu hoặc hợp đồng gia công với đối tác nước ngoài trong trường hợp nhập khẩu thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật để tái xuất (bao gồm tạm nhập tái xuất, gia công, sang chai và đóng gói xuất khẩu);
1.2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề xông hơi khử trùng trong trường hợp nhập khẩu thuốc xông hơi khử trùng
1.3. Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) tại nước xuất khẩu trong trường hợp nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.
1.4. Các tổ chức, cá nhân có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành hàng thuốc bảo vệ thực vật hoặc vật tư nông nghiệp được phép xuất nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật
1.5. Thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam được nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu sau:
1.5.1 Thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm phải có hàm lượng hoạt chất, dạng thuốc và nhà sản xuất đúng với Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam; phải còn ít nhất 2/3 hạn sử dụng được ghi trên nhãn kể từ khi thuốc đến Việt Nam, đáp ứng chất lượng thuốc.
1.5.2 Nguyên liệu hoặc thuốc kỹ thuật phải có hàm lượng hoạt chất tối thiểu bằng hàm lượng hoạt chất của nguyên liệu hoặc thuốc kỹ thuật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng tại Việt Nam và phải nhập khẩu từ các nhà sản xuất có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
1.6. Không được nhập khẩu các loại hoạt chất hoặc thành phẩm thuốc bảo vệ thực vật trong Phụ lục III của Công ước Rotterdam
Văn bản quy phạm pháp luật
-
Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật
-
Điều 12 Điều lệ quản lý thuốc Bảo vệ thực vật ban hành kèm theo Nghị định số 58/2002/NĐ-CP
-
Điều 24, 25 Thông tư số 03/2013/TT-BNNPTNT
-
Điều 22 Thông tư 04/2015/TT-BNNPTNT
IV. Điều kiện đối với vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật
1. Giấy phép vận chuyển thuốc và nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật
1.1. Điều kiện chung
1.1.1 Vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc và nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật phải có nhãn và nhãn hiệu theo đúng quy định pháp luật;
1.1.2 Việc vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật phải theo đúng lịch trình ghi trong hợp đồng hoặc giấy tờ khác có liên quan về vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật giữa chủ phương tiện và chủ sở hữu hàng hóa.
1.1.3 Việc vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo an toàn cho người, môi trường. Không được dừng xe nơi đông người, gần trường học, bệnh viện, chợ, nguồn nước sinh hoạt.
1.1.4 Các thuốc bảo vệ thực vật có khả năng phản ứng với nhau không được chở chung trên cùng một phương tiện.
1.1.5 Không được vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật trên cùng phương tiện chở khách, vật nuôi, lương thực, thực phẩm, các chất dễ gây cháy, nổ và các hàng hóa khác, trừ phân bón.
1.2. Điều kiện về người vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật
1.2.1 Người điều khiển phương tiện, người áp tải hàng phải hiểu rõ tính chất nguy hiểm của thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật như: độc hại, dễ cháy, dễ nổ, ăn mòn và phải biết xử lý sơ bộ khi sự cố xảy ra trong quá trình vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật và thực hiện theo các quy định của pháp luật về vận chuyển hàng nguy hiểm.
1.2.2 Người điều khiển phương tiện vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật ngoài các chứng chỉ về điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo quy định hiện hành của Nhà nước còn phải có Giấy chứng nhận huấn luyện về an toàn lao động trong vận chuyển, bảo quản thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật.
1.2.3 Người áp tải hàng hóa là thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật phải được huấn luyện về an toàn lao động trong vận chuyển, bảo quản thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật.
1.3. Điều kiện về bao bì, thùng chứa hoặc container chứa thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình vận chuyển
1.3.1 Phải được làm bằng các vật liệu dai, bền, ít thấm nước;
1.3.2 Phải dán biểu trưng nguy hiểm với hình đầu lâu, xương chéo màu đen trên nền trắng trong hình vuông đặt lệch. Kích thước của biểu trưng hàng nguy hiểm dán trên mỗi thùng đựng thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật là 100 mi-li-mét (mm) x 100 mi-li-mét (mm) và dán trên container là 250 mi-li-mét (mm) x 250 mi-li-mét (mm) theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 03/2013/TT-BNNPTNT;
1.3.3 Phải có báo hiệu nguy hiểm hình chữ nhật, màu vàng cam, ở giữa ghi Mã số Liên hợp quốc (UN), kích thước báo hiệu nguy hiểm là 300 mi-li-mét (mm) x 500 mi-li-mét (mm) theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 03/2013/TT-BNNPTNT, vị trí ở phía dưới biểu trưng nguy hiểm. Đối với bao bì và thùng chứa thuốc thì báo hiệu nguy hiểm có kích thước nhỏ hơn phù hợp với tỷ lệ với bao bì và thùng chứa nhưng phải đảo bảo nhìn rõ báo hiệu nguy hiểm.
1.4. Điều kiện về phương tiện vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật
1.4.1 Các phương tiện vận tải thông thường được các cơ quan có thẩm quyền cho phép lưu hành để vận chuyển hàng hóa thì được chuyên chở thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật
1.4.2 Phương tiện chuyên chở thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo các điều kiện kỹ thuật sau:
a) Có dụng cụ, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy phù hợp với thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật khi vận chuyển
b) Có mui, bạt che phủ kín, chắc chắn toàn bộ khoang chở hàng đảm bảo không thấm nước trong quá trình vận chuyển
c) Không dùng xe rơ móc để chuyên chở thuốc bảo vệ thực vật.
1.4.3 Phương tiện chuyên chở thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật được xếp cuối cùng của mỗi chuyến phà, nếu bến phà không có phà chuyên dùng cho loại hàng nguy hiểm.
1.4.4 Phương tiện chuyên chở các thùng chứa thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật phải được dán biểu trưng nguy hiểm của loại nhóm hàng đang vận chuyển. Kích thước của biểu trưng nguy hiểm dán trên phương tiện là 500 mi-li-mét (mm) x 500 mi-li-mét (mm). Vị trí dán biểu trưng nguy hiểm ở hai bên và phía sau phương tiện.
Văn bản quy phạm pháp luật.
-
Điều 18 Nghị định số 104/ 2009/NĐ-CP
-
Điều 19 Nghị định 58/2002/NĐ-CP
-
Điều 33 Thông tư số 03/2013/TT-BNNPTNT
Như vậy Việt Luật đã đưa đến cho khách hàng những nội dung quan trọng nhất của việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để giải đáp thông tin cụ thể hơn xin mời khách hàng liên hệ hotline của chúng tôi.
Hotline tư vấn: 0243 997 4288/ 0965 999 345