Có được đi vào làn đường bên trong sát lề đường không?

Chào luật sư, luật sư cho tôi hỏi trên đoạn đường một chiều trong khu vực thành phố, thị xã không có biển báo làn đường. Làn 1 và làn 2 bên phải ngăn cách bởi vạch kẻ liền, Làn thứ 3 ngăn cách làn 2 bởi vạch kẻ đường đứt quãng. Vậy đối với làn đường thứ nhất bên phải, xe có được đi vào không, làn đường này thuộc làn đường của phương tiện nào? Xe ô tô đỗ ở làn đường này có được không?
TRẢ LỜI
Cơ sở pháp lý
  • Luật giao thông đường bộ 2008.
Nội dung tư vấn
Tư vấn Việt Luật xin đưa giải đáp đối với câu hỏi của bạn như sau:
Điều 13 Luật giao thông đường bộ quy định về sử dụng làn đường:
“1. Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
2. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
3. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.”
Phụ lục G QCVN 41: 2012/BGTVT ban hành theo Thông tư số 17/2012/TT-BGTVT quy định:
– Vạch đứt khúc trắng: Khi vạch theo chiều dọc đường với tác dụng phân chia các làn xe cùng chiều để lái xe nhận biết điều khiển xe chạy an toàn. Nếu vạch ở đầu đường thì có tác dụng hướng dẫn xe chạy đúng tuyến đường.
– Vạch liền trắng: Khi vạch theo chiều dọc đường với tác dụng phân cách giữa làn xe có động cơ và làn xe không có động cơ, hoặc giới hạn ngoài của đường dành riêng cho xe chạy. Khi vạch ở đầu đường có tác dụng hướng dẫn xe chạy hoặc xe dừng.
Theo đó, có thể phân làn đối với các loại phương tiện: Vạch liền thể hiện phân cách làn giữa xe có động cơ và xe không có động cơ (hoặc giới hạn ngoài của đường dành riêng cho xe chạy). Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe máy, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái.
Như vậy, đối với làn đường thứ nhất trong cùng, các loại phương tiện được phép đi vào là xe máy, xe thô sơ. Nếu điều khiển ô tô vào làn đường này thì sẽ bị cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính với lỗi  “đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định” theo quy định tại điểm c Khoản 4 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đương bộ và đường sắt.
>>> Xem thêm: Bật đèn pha khi vào phố bị xử phạt như thế nào theo quy định mới nhất
Việc dừng, đỗ xe được quy định tại Điều 18 và Điều 19 Luật giao thông đường bộ 2008
“Điều 18. Dừng xe, đỗ xe trên đường bộ
1. Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.
2. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.
3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:
a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;
d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;
đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;
e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;
g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
4. Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:
a) Bên trái đường một chiều;
b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;
c) Trên cầu, gầm cầu vượt;
d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;
g) Nơi dừng của xe buýt;
h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;
i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;
k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ”.
“Điều 19. Dừng xe, đỗ xe trên đường phố
Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:
1. Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.
2. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông.”
Như vậy, việc đỗ xe tại làn đường bên trong cùng bên phải phải đảm bảo điều kiện tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 18 Luật GTĐB năm 2008 (nếu đỗ xe trên đường bộ), và phải đúng quy định tại Điều 19 Luật GTĐB năm 2008 (nếu đỗ xe trên đường phố).
Trên đây là giải đáp của Việt Luật về vấn đề mà bạn yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa hiểu rõ hay cần sự hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua tổng đài luật sư tư vấn trực tuyến miễn phí để được hỗ trợ kịp thời!
Chia sẻ bài viết:
Trụ sở Hà Nội
Văn phòng Tp.HCM

HOTLINE 0968.29.33.66 LUẬT SƯ TƯ VẤN MIỄN PHÍ