Gia công phân bón là hoạt động sản xuất, tái tạo phân bón để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Vậy gia công phân bón cần những điều kiện pháp lý gì để có thể tiến hành trên thực tế? Quy định của pháp luật như thế nào về việc gia công phân bón?
Nội dung bài viết
1. Khái quát về gia công phân bón
Theo quy định pháp luật hiện hành thì phân bón chính là sản phẩm mà có chức năng cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng, cải tạo đất để có thể tăng chất lượng, năng suất của cây trồng.
Để khuyến khích việc sản xuất và phát triển nguồn phân bón thì Nhà nước có các chính sách hỗ trợ như các chính sách về tín dụng, về thuế, về quỹ đất, các trang thiết bị, khoa học kỹ thuật; khuyến khích việc áp dụng công nghệ, xã hội hóa hoạt động đầu tư, các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực phân bón.
Hiện nay có các loại phân bón khác nhau dựa trên những tiêu chí khác nhau:
– Theo nguồn gốc thì gồm có phân bón hóa học, phân bón hữu cơ và phân bón sinh học.
– Theo chức năng thì gồm phân bón đa lượng, phân bón trung lượng, phân bón vi lượng, phân bón đất hiểm và phân bón cải tạo đất.
– Theo phương thức sử dụng bao gồm phân bón rễ và phân bón lá.
2. Quy định của pháp luật về gia công phân bón
2.1. Điều kiện gia công phân bón tại Việt Nam
Trước khi tiến hành gia công phân bón trên thực tế thì cơ sở gia công phải được cấp phép đủ điều kiện gia công phân bón khi đáp ứng được đủ các điều kiện sau:
– Cơ sở gia công được thành lập hợp pháp theo quy định.
– Cơ sở gia công phải có địa điểm để sản xuất, gia công đủ diện tích nhà xưởng để phù hợp với công suất và nhu cầu gia công của cơ sở sản xuất đó.
– Đảm bảo đủ các trang thiết bị, máy móc, dây truyền để phục vụ cho hoạt động gia công phân bón từ khâu xử lý nguyên liệu đến khâu cuối cùng của quá trình sản xuất, gia công phân bón.
Các trang thiết bị nếu có yêu cầu về an toàn và thiết bị thử nghiệm thì cần phải được kiểm định và hiệu chỉnh theo quy định.
– Cơ sở gia công phải đảm bảo có khu vực để chứa nguyên liệu, chứa các thành phẩm riêng biệt để sản xuất phân bón, đảm bảo có bao lót xếp lên kệ hàng.
– Xây dựng phòng thử nghiệm hoặc thuê tổ chức thử nghiệm để đánh giá các chỉ tiêu chất lượng của phân bón phù hợp.
– Có các hệ thống để quản lý chất lượng phân bón phù hợp với tiêu chuẩn ISO 9001 muộn nhất sau 01 năm thành lập cơ sở gia công đó.
– Người trực tiếp điều hành, quản lý hoạt động gia công phải có trình độ cử nhân trở lên trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, nông hóa, hóa học, sinh học.
2.2. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện gia công phân bón
Cơ sở gia công chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện gia công phân bón. Hồ sơ bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện gia công phân bón( theo mẫu do pháp luật quy định).
– Bản thuyết minh về việc đáp ứng được các điều kiện để gia công phân bón (theo mẫu).
– Phiếu kiểm định, phiếu hiệu chỉnh, hiệu chuẩn đối với các trang thiết bị có yêu cầu về an toàn thiết bị thử nghiệm (bản sao).
– Văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành, quản lý cơ sở gia công (bản sao hợp lệ).
– Quyết định về phê duyệt các báo cáo tác động về môi trường, đề án bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy (bản sao hợp lệ).
– Giấy tờ, tài liệu cần thiết khác.
Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện gia công phân bón bao gồm:
– Cục Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện gia công phân bón cho cơ sở sản xuất, gia công phân bón.
– Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận đối với cơ sở chỉ thực hiện đóng gói phân bón.
Trong vòng 20 ngày từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và có kết quả thẩm định chất lượng phân bón theo quy định thì cơ quan cấp phép tiến hành cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón cho cơ sở sản xuất.
Cơ quan cấp phép có thể tổ chức việc kiểm tra thực tế tại cơ sở gia công phân bón trước khi cấp giấy chứng nhận và chỉ cấp giấy chứng nhận khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật.
Để tiến hành gia công phân bón trên thực tế thì pháp luật có quy định cơ sở gia công đó phải được cấp phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền cấp. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, liên hệ đến luật sư tư vấn doanh nghiệp để được hỗ trợ miễn phí.