Có được đưa nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa vào trong Hồ sơ mời thầu?
Nhãn hiệu, xuất xứ của hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng trong lĩnh vực đấu thầu, là những đặc điểm riêng biệt của hàng hóa nhất định. Trong quá trình lập hồ sơ mời thầu thì chủ đầu tư thắc mắc về việc có nên đưa nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa vào trong hồ sơ không? Vậy pháp luật có quy định như thế nào về vấn đề này?
Nội dung bài viết
1. Khái quát về hồ sơ mời thầu
Có thể thấy, hồ sơ mời thầu hướng tới mục đích lựa chọn được các nhà thầu đáp ứng được các điều kiện tốt nhất về chất lượng, giá cả, chi phí hợp lý của gói thầu.
Theo quy định pháp luật đấu thầu hiện hành thì hồ sơ mời thầu sử dụng cho các hình thức đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế, bao gồm toàn bộ các tài liệu, báo cáo, yêu cầu cho một dự án, một gói thầu nhất định để nhà thầu hay nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu và bên mời thầu tiến hành tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu để lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu phù hợp.
Hồ sơ mời thầu phải đáp ứng được các điều kiện nhất định thì mới có thể phát hành với các bên dự thầu. Tùy thuộc vào từng đối tượng nhất định mà các điều kiện là khác nhau:
– Đối với hồ sơ mời thầu của gói thầu thì phải đáp ứng được các điều kiện sau:
- Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Hồ sơ mời thầu được phê duyệt gồm các nội dung như thủ tục tiến hành đấu thầu, dữ liệu, tiêu chuẩn đánh giá, biểu mẫu dự thầu, khối lượng mời thầu, các tiêu chuẩn tiến độ, kỹ thuật, chất lượng và các nội dung cần thiết khác.
- Có thông báo mời thầu, chào hàng hoặc các danh sách ngắn theo quy định.
- Hồ sơ mời thầu thể hiện được nguồn vốn cho gói thầu được thu xếp theo tiến độ thực hiện.
- Có nội dung, danh mục những hàng hóa, dịch vụ cần thiết và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Hồ sơ mời thầu phải đảm bảo được việc bàn giao về mặt bằng thi công gói thầu nhất định.
– Đối với hồ sơ mời thầu của dự án phải đáp ứng được các điều kiện:
+ Dự án đấu thầu thuộc danh mục dự án do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc cơ quan quản lý hành chính nhà nước cấp trung ương và cấp tỉnh được công bố.
+ Hồ sơ phải có kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà thầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
+ Có thông báo mời thầu hoặc có các danh sách ngắn được đăng tải theo quy định pháp luật
2. Nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa có được đưa vào trong Hồ sơ mời thầu hay không?
Trong hồ sơ mời thầu, để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu thì pháp luật có quy định những hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu.
Theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 thì một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu đó là nêu những yêu cầu cụ thể về xuất xứ hàng hóa, về nhãn hiệu hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với các gói thầu xây lắp, hỗn hợp, mua sắm hàng hóa khi áp dụng các hình thức đấu thầu rộng rãi hay đấu thầu hạn chế.
Theo đó thì đối với hình thức đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế thì trong hồ sơ mời thầu không được nêu nên các yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa. Trong trường hợp không mô tả chi tiết được theo những đặc tính mang tính kỹ thuật, công nghệ thì được nêu nhãn hiệu của một sản phẩm tương đương để tham khảo và tạo thuận lợi cho nhà thầu, nhà đầu tư trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu.
Tuy nhiên theo quy định tại Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT có quy định đối với hình thức chỉ định thầu thì có thể nêu nhãn hiệu và xuất xứ cụ thể của hàng hóa trong hồ sơ mời thầu.
Đối với gói thầu mà áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh thì trong hồ sơ mời thầu không được nêu những đặc tính, tiêu chuẩn cá biệt của hàng hóa để tránh gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng trong quá trình đấu thầu.
Tùy thuộc vào từng hình thức đấu thầu cụ thể mà việc đưa nhãn hiệu, xuất xứ của hàng hóa vào Hồ sơ mời thầu có thể là hành vi vi phạm pháp luật hoặc không. Để tìm hiểu cụ thể hơn về vấn đề này, liên hệ ngay đến tổng đài pháp luật để được tư vấn miễn phí.