Nội dung bài viết
1. Khái quát về đấu giá tài sản
Đấu giá tài sản là hình thức trao đổi, mua bán tài sản được hình thành từ lâu đời, được sử dụng như một phương thức mua bán hàng hóa, tài sản thông thường và ngày càng được phổ biến rộng khắp.
Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện hành thì đấu giá tài sản được hiểu là hình thức bán tài sản theo các nguyên tắc, trình tự do pháp luật quy định và có từ hai người trở lên tham gia cuộc đấu giá đó. Hiện nay việc đấu giá tài sản được tổ chức bằng các hình thức khác nhau như: đấu giá trực tiếp bằng lời nói, bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá tài sản hoặc đấu giá bằng việc bỏ phiếu gián tiếp hay đấu giá trực tuyến.
Các phương thức đầu giá bao gồm phương thức trả giá lên và phương thức đặt giá xuống.
Tài sản tham gia đấu giá là các loại tài sản được phép giao dịch theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.
Tổ chức tiến hành đấu giá tài sản bao gồm Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và Doanh nghiệp đấu giá tài sản:
– Trung tâm DV đấu giá tài sản do UBND cấp tỉnh thành lập có trụ sở riêng, có con dấu, tài khoản ngân hàng riêng, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp. Giám đốc của Trung tâm phải là đấu giá viên.
– Doanh nghiệp đấu giá tài sản thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, được tổ chức và hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh.
Tổ chức đấu giá với người có tài sản đấu giá ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá bằng văn bản và thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Khi kết thúc cuộc đấu giá, người trúng đấu giá được coi là chấp nhận giao kết hợp đồng kể từ thời điểm đấu giá viên công bố. Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được ký kết giữa người có tài sản với người trúng đấu giá hoặc với các bên khác theo thỏa thuận các bên và được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành.
2. Đấu giá tài sản không thành
Kết quả của cuộc đấu giá có thể là đấu giá thành hoặc đấu giá không thành. Khi đấu giá thành thì các bên tiến hành ký kết hợp đồng mua bán với nhau và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng mua bán đó. Vậy khi đấu giá không thành thì việc xử lý tài sản đấu giá được thực hiện ra sao?
2.1. Các trường hợp đấu giá không thành:
Theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản thì đấu giá tài sản bao gồm các trường hợp:
– Không có người đăng ký tham gia cuộc đấu giá tài sản khi đã hết hạn đăng ký.
– Không có người trả giá hoặc không chấp nhận giá khởi điểm tại cuộc đấu giá tài sản.
– Trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên không công khai giá khởi điểm mà các bên trả giá cao nhất vẫn thấp hơn giá khởi điểm ban đầu.
– Người trúng đấu giá từ chối ký biên bản đấu giá khi đã kết thúc cuộc đấu giá theo quy định pháp luật.
– Các bên chấp nhận việc người trả giá rút lại giá đã trả và không có người trả giá tiếp cho cuộc đấu giá tài sản đó.
– Người trúng đấu giá từ chối kết quả trúng đấu giá và người trả giá liền kề không chấp nhận việc mua bán đó thì cuộc đấu giá cũng được coi là không thành.
2.2. Xử lý đấu giá tài sản không thành
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trong trường hợp đấu giá không thành thì sau 03 ngày kể từ ngày đấu giá không thành, tổ chức đấu giá phải trả lại tài sản và các giấy tờ, tài liệu liên quan đến tài sản cho người có tài sản đấu giá. Nếu các bên có thỏa thuận khác thì tuân theo thỏa thuận đó.
Tài sản đấu giá không thành sẽ được xử lý theo quy định pháp luật. Tài sản đó có thể tiến hành đấu giá lại từ đầu khi người có tài sản và tổ chức đấu giá tài sản có thỏa thuận với nhau.
Việc đấu giá tài sản không thành do những lý do khác nhau, vì vậy phải được xử lý theo quy định pháp luật hiện hành. Các bên có lỗi dẫn đến việc đấu giá không thành có thể phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại. Nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, liên hệ ngay tổng đài tư vấn pháp luật để được đội ngũ chuyên viên Việt Luật tư vấn và giải đáp miễn phí.