Câu hỏi: Chào luật sư, luật sư cho tôi hỏi một vấn đề như sau: tôi có một đồng nghiệp đã kê khai khống các giấy tờ để biển thủ của công ty một số tiền lớn là hơn 200 triệu. HIện tại công ty tôi đang muốn tham vấn các luật sư về vấn đề trên, có thể truy tố hình sự đối với người đó được không? Mức phạt là bao nhiêu? Và công ty tôi có lấy đươc số tiền đã mất không? Hành vi biển thủ công quỹ.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình về Việt Luật, chúng tôi sẽ giải đáp vấn đề của bạn như sau:
Cơ sở pháp lý:
Nội dung trả lời:
Đồng nghiệp của bạn đã sử dụng các chiêu thức, lừa đảo để biển thủ tiền của công với số tiền lên đến 200 triệu đồng. Đây là việc làm bị luật pháp ngăn cấm vì vi phạm đạo đức cũng như chuẩn mực xã hội đồng thời xâm hại đến quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Hành vi của đồng nghiệp bạn là hành vi cố ý, dùng uy tín của mình và chức vụ quyền hạn của mình để biển thủ tiền công ty.
“Điều 353. Tội tham ô tài sản
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.”
Như vậy với hành vi tham ô tài sản lên đến 200.000.000 đồng thì rất có thể đồng nghiệp của bạn sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều 353 BLHS 2015. Với mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Tùy mức độ, tính chất của vụ án mà số năm tù sẽ được thẩm phán quyết định khi phiên toà diễn ra. Việc đồng nghiệp của bạn thực hiện nghĩa vụ dân sự đền bù số tiền đã biển thủ cho công ty sẽ là một hình thức để giảm nhẹ tội cũng như nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Việc công ty bạn cần làm là chuẩn bị các chứng cứ liên quan sau đó tiến hành trình báo đối với cơ quan công an. Cơ quan công an sẽ có trách nhiệm lập hồ sơ vụ án và chuyển hồ sơ vụ án lên cho các cơ quan khác có liên quan. Sau khi cơ quan điều tra hoàn tất hồ sơ vụ án sẽ chuyển lên Viện Kiểm Sát để tiến hành khởi tố vụ án.
Bên trên là những tư vấn của chúng tôi về Hành vi biển thủ công quỹ. Nếu như bạn còn những vấn đề về pháp lý, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua
tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 0965 999 345 để nhận tư vấn từ đội ngũ chuyên viên và luật sư giàu kinh nghiệm của Việt Luật.