Nhờ bạn thân mang thai hộ có vi phạm pháp luật không?

CÂU HỎI TÌNH HUỐNG: Chào luật sư tổng đài tư vấn, tôi và chồng đã kết hôn được 10 năm nhưng chúng tôi vẫn không thể có con dù đã áp dụng mọi biện pháp. Tôi có tìm hiểu và được biết Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đang có hiệu lực có quy định về mang thai hộ. Tôi đã nhờ một người bạn thân của tôi mang thai hộ giúp tôi và cô ấy đã đồng ý nhưng tôi không biết việc nhờ bạn thân mang thai hộ có được pháp luật cho phép không? Vậy nhờ luật sư tư vấn giúp tôi việc nhờ bạn thân mang thai hộ có vi phạm pháp luật không? Xin chân thành cảm ơn.

TRẢ LỜI

1. Căn cứ pháp lý

– Luật Hôn nhân và gia đình 2014;

– Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

2. Nội dung tư vấn

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí của Việt Luật. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề nhờ bạn thân mang thai hộ như sau:

Mục đích của mang thai hộ phải là mục đích nhân đạo còn nếu mang thai hộ mà vì mục đích thương mại như vì tiền hay một lợi ích nào đó ngoài mục đích nhân đạo thì sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:

”1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
2. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
b) Vợ chồng đang không có con chung;
c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
3. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.”

Ngoài ra, Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo còn có quy định: “Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.”

Theo đó, để được mang thai hộ phải tuân thủ các điều kiện: mang thai hộ phải vì mục đích nhân đạo; có sự thỏa thuận của hai bên và phải lập thành văn bản; có sự xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền xác nhận người vợ không thể mang thai hay sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; cặp vợ chồng đang không có con chung; cả hai bên đã được tư vấn về y tế, tâm lý, pháp lý,…

Hơn nữa, người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích; đã từng sinh con và chưa mang thai hộ; được sự đồng ý của chồng bằng văn bản, độ tuổi cũng như khả năng phù hợp để mang thai hộ,…

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn nhờ bạn thân mang thai hộ là không vi phạm pháp luật.

Trên đây là quan điểm tư vấn của Việt Luật về vấn đề bạn yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa hiểu rõ hay cần sự hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua tổng đài tư vấn trực tuyến miễn phí  hoặc gửi thông tin qua Email để được hỗ trợ kịp thời!

Chia sẻ bài viết:
Trụ sở Hà Nội
Văn phòng Tp.HCM

HOTLINE 0968.29.33.66 LUẬT SƯ TƯ VẤN MIỄN PHÍ