Nội dung bài viết
1. Hành vi kinh doanh trái phép là gì?
* Kinh doanh trái phép được hiểu là hành vi kinh doanh phải đăng ký kinh doanh nhưng lại không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh không đúng với những nội dung đã đăng ký với cơ quan nhà nước hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong các trường hợp yêu cầu phải có giấy phép.
* Những trường hợp không phải đăng ký kinh doanh là những hoạt động được quy định tại Nghị định số 39/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Các hoạt động đó bao gồm;: buôn bán rong, bán vặt, bán quà vặt, buôn bán chuyến, thực hiện các dịch vụ thiết yếu nhỏ lẻ, các hoạt động này có hoặc không có địa điểm hoạt động cố định.
* Khi chủ thể kinh doanh thực hiện các hoạt động kinh doanh không thuộc các trường hợp trên thì bắt buộc phải tiến hành đăng ký kinh doanh theo quy định và chỉ được thực hiện hoạt động kinh doanh trên thực tế sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Do đó mà hành vi kinh doanh trái phép là hành vi vi phạm và sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.
2. Xử phạt hành vi kinh doanh trái phép
Hành vi kinh doanh trái phép là hành vi vi phạm trật tự quản lý kinh tế – xã hội của nhà nước, không đảm bảo được sự cạnh tranh công bằng cũng như xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tham gia vào hoạt động kinh doanh của chủ thể đó.
Tùy thuộc vào các hành vi, mức độ vi phạm khi kinh doanh trái phép thì có các hình thức và mức độ xử phạt khác nhau. Theo quy định hiện hành thì các hành vi vi phạm có thể bị xử phạt một trong hai hình thức, đó là xử phạt vi phạm hành chính và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính
Hành vi kinh doanh trái phép sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Đối với hành vi kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: phạt tiền từ 5.000.000 VNĐ đến 10.000.000 VNĐ.
Đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh mà đã bị đình chỉ hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: phạt tiền từ 10.000.000 VNĐ đến 15.000.000 VNĐ.
Đối với các hành vi vi phạm theo giấy phép kinh doanh:
– Hành vi tự viết, tự sửa chữa, tẩy xóa các nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 VNĐ đến 1.000.000 VNĐ.
– Hành vi sử dụng giấy phép kinh doanh không đúng đối tượng, địa điểm, ngành nghề kinh doanh hoặc sử dụng giấy phép của thương nhân khác để kinh doanh thì bị phạt tiền từ 5.000.000 VNĐ đến 10.000.000 VNĐ. Ngoài ra thì hành vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế từ 01 tháng đến 03 tháng khi có hành vi tái phạm.
– Hành vi kinh doanh không có giấy phép kinh doanh đối với mặt hàng, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc sử dụng giấy phép hết hiệu lực thì bị phạt từ 10.000.000 VNĐ đến 20.000.000 VNĐ.
– Hành vi tiếp tục kinh doanh khi đã bị đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế thì bị phạt từ 20.000.000 VNĐ đến 30.000.000 VNĐ.
Hành vi kinh doanh trái phép khi thuộc một trong các trường hợp trên thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Hoạt động kinh doanh trong nhiều trường hợp không những cần có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà còn cần có giấy phép hoạt động nên nếu vi phạm một trong hai loại giấy tờ này thì chủ thể kinh doanh cũng sẽ bị xử phạt.
2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì Tội kinh doanh trái phép được các nhà làm luật bãi bỏ để phù hợp với nguyên tắc đảm bảo quyền tự do kinh doanh được ghi nhận trong văn bản pháp lý cao nhất của đất nước – Hiến pháp năm 2013.
Bộ luật Hình sự 1999 có quy định về Tội kinh doanh trái phép với các khung hình phạt khác nhau nên khi hết hiệu lực thì tội này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa.
Tuy nhiên nếu hành vi vi phạm xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 07 năm 2016, khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực mà vụ án hình sự vẫn đang trong các giai đoạn của tố tụng hình sự thì áp dụng hiệu lực hồi tố, có nghĩa là vẫn áp dụng các quy định của Bộ luật cũ để tiến hành xử lý vụ án đó.
Còn các hành vi xảy ra sau thời gian đó thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với hành vi kinh doanh trái phép thì hiện nay pháp luật chỉ quy định hình thức xử phạt là xử phạt vi phạm hành chính. Liên hệ ngay luật sư tư vấn pháp luật để được hỗ trợ miễn phí về từng trường hợp cụ thể.