Vượt đèn vàng bị xử phạt bao nhiêu tiền

Chào luật sư, tôi muốn được luật sư tư vấn về vượt đèn vàng tín hiệu giao thông: mọi người khi tham gia giao thông chỉ quan tâm đến đèn tín hiệu màu xanh và màu đỏ. Trong khi đó việc không chấp hành tín hiệu đàn vàng cũng sẽ bị xử phạt vi phạm. Vậy tín hiệu đèn vàng có ý nghĩa như thế nào? Khi vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?

TRẢ LỜI

Căn cứ pháp lý

– Luật giao thông đường bộ 2008;

– Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Nội dung tư vấn

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Việt Luật. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Thứ nhất, ý nghĩa của tín hiệu đèn vàng

Theo quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ 2008: “Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.”

Tín hiệu vàng báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Khi tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”; nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe” thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.Người vi phạm cố tình điều khiển phương tiện chạy qua vạch sơn “Vạch dừng xe” thì sẽ bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (Điều 10 Quy chuẩn số 41:2016/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ).

Trong trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe” khi tín hiệu vàng bật sáng, nếu dừng lại sẽ gây nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau; khi đó người điều khiển phương tiện sẽ không bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường. Tín hiệu đèn vàng nhấp nháy thường được áp dụng vào những khung giờ hoặc những địa điểm có ít xe cộ đi lại, những nơi không nhất thiết phải dừng xe, nhường đường nhưng cần giảm tốc độ và quan sát kỹ khi di chuyển.

Thứ hai, xử phạt đối với hành vi vượt đèn vàng

Hành vi không chấp hành không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Cụ thể:

– Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm bị phạt tiền từ 300.000 – 400.000 đồng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng theo quy định tại điểm c Khoản 4 Điều 6 và điểm b Khoản 12 Điều 6;

– Người điều khiển xe ô tô vi phạm bị phạt tiền từ 1.200.000 –  2.000.000 đồng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng theo điểm a Khoản 5 Điều 5 và điểm b Khoản 12 Điều 5;

– Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm bị phạt tiền từ 400.000 – 600.000 đồng; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1-3 tháng theo quy định tại điểm g Khoản 4 Điều 7 và điểm a Khoản 9 Điều 7;

– Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ vi phạm bị phạt tiền từ 60.000 – 80.0000 đồng theo quy định tại điểm h Khoản 2 Điều 8.

– Người đi bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm bị phạt tiền từ 50.000 – 60.000  đồng theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 9 và điểm b Khoản 1 Điều 10.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Việt Luật liên quan đến lỗi vượt đèn vàng theo quy định của pháp luật. Nếu còn vướng mắc, chưa hiểu rõ hay cần sự hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua tư vấn pháp luật miễn phí qua email 0965999345 hoặc gửi thông tin qua Email để được hỗ trợ kịp thời!

Chia sẻ bài viết:
Trụ sở Hà Nội
Văn phòng Tp.HCM

HOTLINE 0968.29.33.66 LUẬT SƯ TƯ VẤN MIỄN PHÍ